Vườn Rừng Trên Đá không chỉ là câu chuyện biến một ngọn đồi cằn cỗi, bị xói mòn đến trơ cả đá thành cả một khu rừng. Đó còn là câu chuyện về nâng tầm cây cacao Việt. Ngày hôm nay, khi được đắm mình trong không gian trong lành, ngập sắc xanh của vườn và rừng, Phương háo hức muốn kể bạn nghe về câu chuyện diệu kì đó.
Đến mô hình “Canh tác phục hồi”
Thuở ban đầu, không có đất nào xấu cả. Qua hoạt động nông nghiệp, sản xuất của con người, những tầng hữu cơ được tích lũy hàng nghìn năm bị rửa trôi, bị thất thoát. Tại Vườn Rừng Trên Đá, chú Phước phục hồi lại lượng hữu cơ có trong đất thông qua mô hình “Canh tác phục hồi”.
Canh tác phục hồi (Regenerative Farm) mô tả các biện pháp canh tác, chăn thả và quản lý đất đai toàn diện. Phương pháp này tận dụng sức mạnh quang hợp ở thực vật để đóng chu trình carbon, xây dựng lại chất hữu cơ của đất và khôi phục đa dạng sinh học đất bị thoái hóa. Nhờ vậy, carbon được rút vào trong lòng đất, góp phần cải thiện chu trình nước trong tự nhiên và giúp đảo ngược biến đổi khí hậu.
Câu chuyện về carbon trên Trái Đất
Cuộc sống trên Trái Đất sẽ không thể tồn tại nếu không có carbon. Nó là thành phần chính của đường, protein, chất béo, DNA, mô cơ và hầu hết mọi thứ trong cơ thể con người và các dạng sống khác trên hành tinh. Hầu hết carbon được lưu trữ trong năm “hồ chứa”: đất, đại dương, khí quyển, sinh quyển và hóa thạch. Carbon không phải là chất gây ô nhiễm. Nhưng quá nhiều carbon ở sai vị trí sẽ gây bất ổn.

Các hoạt động sống và sản xuất của con người, nhất là việc khai thác nhiên liệu hóa thạch từ lòng đất, đã bơm carbon từ những “hồ chứa” khác nhau vào bầu khí quyển. Theo thống kê, con người đã bơm khoảng 880 gigaton CO2 vào khí quyển. Đây là nguyên nhân làm nóng hành tinh và gây bất ổn khí hậu.
Thực vật, với ánh sáng mặt trời và nước, thực hiện quang hợp. Chúng kéo carbon từ không khí và biến carbon thành carbohydrate. Sau đó, chúng bơm carbohydrate xuống bộ rễ để nuôi các vi sinh vật sử dụng carbon đó để xây dựng đất. Nhưng khi thực vật chết đi hay bị đốt, carbon sẽ được thải trở lại bầu khí quyển. Để giảm lượng carbon được gửi trả vào bầu khí quyển, ta mang carbon chôn xuống đất thông qua phương pháp tạo than sinh học và trộn phân vào than.
Đem chôn carbon vào lòng đất
Than sinh học (biochar) được tạo ra từ quá trình nhiệt phân (300 – 700 độ C) vật liệu hữu cơ trong môi trường thiếu oxy. Bằng cách này, chỉ một phần carbon bị cháy, phần còn lại chuyển hóa thành than. Chú Phước đào một lò nung than đơn giản tại Vườn Rừng Trên Đá. Bên cạnh đó, chú tận dụng các sản phẩm thừa trong sản xuất nông nghiệp như vỏ, lá cây cacao, cành khô, củ quả thừa… làm than.

Diện tích bề mặt than sinh học lớn với những lỗ xốp có cấu trúc và hình dạng khác nhau. 1 g có thể có diện tích bề mặt đến 1000 m². Với đặc thù này, than có thể giữ nước, không khí, các vi sinh vật có lợi và phân bón rất tốt.
Để hạn chế sự rửa trôi cũng như hao tốn phân bón, chú Phước trộn phân với than. Bằng cách này, đất sẽ giữ được nước, vi sinh vật có lợi và được thông thoáng khí. Đồng thời, “nhà kho” than sinh học sẽ tồn trữ phân trong thời gian dài. Cây có thể từ từ mà hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nhờ trộn phân vào than, chi phí phân bón được giảm đi và hiệu quả sử dụng được tăng lên. Đồng thời, đất dần dần được cải tạo, phục hồi. Nhất là, trộn phân vào than ủ vào đất, ta đã thành công trong việc nhốt carbon vào “hồ chứa” đất. Gián tiếp, ta đã góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Bón phân cho cỏ
Như đã đề cập trong kỳ trước, chú Phước sử dụng các loại cỏ để giữ đất và chống xói mòn. Bên cạnh đó, cỏ còn là một nguồn hữu cơ rẻ và tại chỗ. Chú Phước cho rằng “công trồng là công bỏ, công làm cỏ mới là công ăn” là chưa đúng. Sở dĩ người nông dân sợ cỏ vì lo sợ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Bởi vì lâu nay, ta trồng cây gì cũng đều chỉ tính đến dinh dưỡng cho cây. Vậy nếu như ta bón phân cho cả cây và cỏ thì sao?
Cỏ hút chất dinh dưỡng từ đất để tổng hợp chất hữu cơ. Với một đơn vị trọng lượng của NPK thì cỏ tổng hợp được 20 – 30 lần chất hữu cơ. Nghĩa là, bón 1 kg phân, cỏ tổng hợp được 20 – 30 kg chất hữu cơ. Khi dùng cỏ làm phân ủ, chất hữu cơ mục ra, dinh dưỡng cho trở lại đất. Bởi vậy, bón phân cho cỏ không phải đầu tư lỗ, mà chính là cho vay nặng lãi.
Vậy bón bao nhiêu phân là đủ? Chú Phước thu hoạch cỏ trong vòng bán kính 0,5 m cách gốc cây cacao, đem đi sấy khô kiệt. Qua nghiên cứu thực nghiệm, 3% của trọng lượng chất khô đó chính là lượng phân cần bón cho cỏ. Đủ phân, cỏ không còn cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Chú Phước không còn tốn công phát cỏ và giã từ thuốc trừ cỏ.
Dùng kiến đen để trấn áp bọ xít muỗi

Thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh không những tốn kém tiền bạc mà còn gây hại cho sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng. Do đó, tại Vườn Rừng Trên Đá, chú Phước luôn sử dụng các phương án ít tốn kém, không hại sức khỏe, môi trường và dễ dàng thực hiện. Điển hình là nuôi kiến đen để trấn áp bọ xít muỗi.
Bọ xít muỗi là côn trùng gây hại chính trên cây cacao. Chúng hút dịch sáp của cây và để lại các chấm đen. Khi vết chích nhiều sẽ làm khô cành, khô trái hoặc làm trái phát triển dị dạng, giảm năng suất. Vết chích cũng tạo điều kiện thuận lợi để các loại nấm hại xâm nhập.
Tại Việt Nam, kiến đen đã được tìm thấy tự nhiên ở các vườn cacao ở Hậu Giang, Bến Tre, Đắk Lắk. Trong các vườn này, cacao không bị bọ xít muỗi tấn công mặc dù không sử dụng thuốc trừ sâu. Kiến đen được sử dụng trong phòng trừ sinh học cũng có những thuận lợi nhất định. Một là, kiến đen cắn không đau và kiến khác tổ không đánh nhau. Hai là, có nhiều kiến chúa trong một tổ nên dễ dàng nhân đàn. Ba là, không có ranh giới giữa các đàn nên có thể đặt các đàn kiến cạnh nhau trong vườn.

Thế là chú Phước tìm cách dẫn kiến đen về vườn. Từ đó, chú Phước nhân đàn rồi chia đàn kiến thành các tổ nhỏ. Chú dùng ống tre, bịt một đầu, bên trong nhét lá cây khô để làm tổ cho kiến. Chú Phước bảo, phương pháp sinh học tuy tốt nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Đến khi quần thể kiến đủ ổn định thì việc trấn áp bọ xít muỗi mới đạt hiệu quả. Do đó, lúc đầu, năng suất của cây cacao có thể giảm. Nếu không kiên nhẫn, người trồng cacao dễ dàng quay lại dùng thuốc trừ sâu để có hiệu quả nhanh tức thì.
Vườn Rừng Trên Đá áp dụng các phương pháp sinh học để trồng cacao sạch. Nhưng khoảng cách từ vườn đến chợ và bàn ăn còn là một câu chuyện dài. Hãy theo dõi câu chuyện nâng tầm cacao Việt trong kỳ tiếp theo nhé!