VƯỜN RỪNG TRÊN ĐÁ (Kỳ 1)

May 15, 2019

Vườn Rừng Trên Đá không chỉ là câu chuyện biến một ngọn đồi cằn cỗi, bị xói mòn đến trơ cả đá thành cả một khu rừng. Đó còn là câu chuyện về nâng tầm cây cacao Việt. Ngày hôm nay, khi được đắm mình trong không gian trong lành, ngập sắc xanh của vườn và rừng, Phương háo hức muốn kể bạn nghe về câu chuyện diệu kì đó.

KÍ SỰ VƯỜN RỪNG TRÊN ĐÁ:

Khởi sự với ngọn đồi toàn đá và đá

Vườn Rừng Trên Đá tọa lạc tại Xã Phú An, Huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai. Cách đây 9 năm, chú chủ vườn tìm kiếm một mảnh đất phù hợp tại Đông Nam Bộ để nghiên cứu canh tác cacao trên đất dốc. Nói thêm về chủ vườn, chú là chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam về cacao: tiến sĩ nông nghiệp Phạm Hồng Đức Phước.

Lúc chú Phước mới nhận đồi thì đất ở đây xấu vô cùng. Địa hình đất dốc, cây cối bị đốn trụi, đất thịt bị rửa trôi, chỉ toàn đá và đá. Điều kiện sinh hoạt là bốn không: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không đường sá. Chính sự bất lợi không tưởng của nơi đây khiến chú Phước quyết định gắn bó với mảnh đất này. Vì “cái gì mà dễ quá, mình làm cũng không có ý nghĩa”.

Ngay từ lúc bắt đầu, Chú Phước xác định giữ đất, giữ nước là ưu tiên số một. Do đó, chú thực hiện ba phương án kết hợp: phục hồi rừng, chống xói mòn và tưới nhỏ giọt.

Phục hồi rừng

Rừng giúp giữ đất, giúp chống xói mòn và nhất là cải thiện nguồn nước ngầm. Trong công cuộc phục hồi rừng, chú Phước thực hiện đa dạng hóa sinh học với ba nhóm cây sau:

  • Cây có sức chống chịu tốt: sanh, si…
  • Cây bản địa: xà cừ, sao đen, dầu…
  • Các loài cây là thức ăn cho dê.
Hình ảnh Vườn Rừng Trên Đá hiện tại
Hình ảnh Vườn Rừng Trên Đá hiện tại (Ảnh: Chú Phước)

Công cuộc phục hồi rừng phải mất hàng năm. Do đó, để đảm bảo nguồn thu nhập và không đốn cây cối, chú Phước nuôi dê. Dê có thể ăn được hầu hết các loại lá cây, cỏ. Và dê có nhu cầu về nước đặc biệt thấp, thấp nhất trong số các gia súc nhai lại. Cho nên, nuôi dê ít tốn nước, đặc biệt trong tình trạng thiếu nước của nơi đây. Thêm nữa, nuôi dê có thể tận dụng phân dê bón lại cho rừng. Bên cạnh đó, nếu mùa này giá thấp có thể để mùa sau bán dê. Dê không phải vội xuất chuồng như heo, gà. Vậy là giải quyết được bài toán kinh tế mà không phá rừng.

Chống xói mòn

Song song với phục hồi rừng là chống xói mòn. Chú Phước vẫn thực hiện các phương pháp phổ biến: đường đồng mức, đào kênh xương cá hạn chế sức nước chảy… Đặc biệt, chú chia sẻ về ba vũ khí bí mật là cỏ Vetiver, cỏ tranh và cỏ Mỹ.

Cỏ Vetiver
Cỏ Vetiver (Ảnh: Finca la Casilla từ Visual Hunt / CC BY-SA)

Cỏ Vetiver có hệ thống rễ không mọc trải rộng mà lại cắm thẳng đứng sâu vào trong đất. Độ sâu của rễ 3-4 m, rộng đến 2,5 m. Một hàng cỏ trưởng thành có thể giảm tới 70% nước chảy bề mặt và tới 90% bùn đất rửa trôi. Đồng thời, cỏ Vetiver có thể chịu được hạn hán, ngập úng, các môi trường đất có độ pH khác nhau. Với việc trồng dễ dàng và ít tốn kém, đã có hơn 100 quốc gia ứng dụng cỏ Vetiver trong việc cải tạo đất và môi trường.

Cỏ tranh
Cỏ tranh (Ảnh: Ahmad Fuad Morad từ Visual Hunt / CC BY-NC-SA)

Cỏ tranh là loài có sức sinh trưởng mạnh mẽ, dù đất xấu cỡ nào cũng mọc được. Rễ cỏ tranh có thể xuyên qua những tầng đất đá dày cỗi nhất. Do vậy, bên cạnh công dụng giữ đất, rễ cỏ tranh được chú Phước tận dụng như lưỡi cày sinh học để cày xới đất. Khi phát cỏ, rễ mục ra, còn có công dụng làm đất tơi xốp.

Cỏ Mỹ
Cỏ Mỹ (Ảnh: Macleay Grass Man từ Visual hunt / CC BY)

Cỏ Mỹ (cỏ voi tím) được Mỹ gieo trong thời chiến tranh Việt Nam. Cỏ Mỹ được sử dụng như vũ khí sinh học triệt phá các vùng nông nghiệp của dân ta. Do có sức sống và khả năng phát tán mạnh mẽ, dùng hệ thống cỏ Mỹ để cày xới ở nơi địa hình đá toàn đá là rất phù hợp.

Chú Phước trồng cỏ ở những đường nước chảy, những bờ mương… xung quanh Vườn Rừng Trên Đá để giữ đất. Không những thế, cỏ còn kiêm cả công việc cày xới và tạo ra nguồn hữu cơ cho cây trồng.

Tưới nhỏ giọt

Với cách tưới dùng vòi xịt hoặc múc nước tưới, lượng nước mùa khô chỉ đủ cho 0,3 hecta cacao. Với lượng nước khan hiếm tại đồi, tưới nhỏ giọt là phương pháp phù hợp nhất. Tưới nhỏ giọt là phương pháp tưới có nguồn gốc từ Israel. Phương pháp này cho phép nước tưới nhỏ giọt từ từ vào rễ hoặc bề mặt đất thông qua hệ thống gồm nhiều thiết bị như: van, đường ống dẫn nước…

Hệ thống tưới nhỏ giọt
Hệ thống tưới nhỏ giọt (Ảnh: AJCespedes từ pixabay)

Giá thành nếu nhập từ Israel vào khoảng 30 triệu/hecta. Chi phí này là rất cao nên sẽ không phổ biến đến người dân trong vùng. Do đó, chú Phước tự tìm tòi và lắp đặt hệ thống tương tự với chỉ 10 triệu/hecta, để người dân cũng có thể làm được. Với biện pháp tưới nhỏ giọt, chú đã trồng được gấp 10 lần diện tích ban đầu: 3 hecta cacao.

Tiếp đến, Phương sẽ giới thiệu đến bạn mô hình “CANH TÁC PHỤC HỒI” trong trồng cacao tại Vườn Rừng Trên Đá.

guest

0 Comments
Inline Feedbacks
XEM TẤT CẢ BÌNH LUẬN
error: Bài viết được bảo vệ để chống sao chép!