Trước khi tìm hiểu sâu hơn chữ Tiếng Trung Phồn thể là gì, bạn cần hiểu rõ hai khái niệm: tiếng nói và chữ viết.
I. PHƯƠNG NGỮ VÀ CHỮ VIẾT CỦA NGƯỜI HOA
1. Ngôn ngữ nói tiếng Trung
Người Hoa sử dụng rất nhiều phương ngữ. Mỗi vùng đất khác nhau, tiếng nói cũng khác nhau. Tiếng Quảng Đông, Tiếng Khách Gia, Tiếng Quan Thoại… là những phương ngữ Hán ngữ bạn thường hay nghe nói đến.
Tiếng Trung Quốc chuẩn (普通話/ 國語/ 華語) là dạng chuẩn hóa ngôn ngữ nói, dựa trên cách phát âm của phương ngữ Bắc Kinh, nhánh Quan thoại. Đây là ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, Đài Loan.
2. Chữ viết của người Hoa
Lịch sử phát triển chữ Hán tuy dài nhưng rất thú vị. Để học giỏi tiếng Trung, bạn buộc phải tìm hiểu kiến thức này.
Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống chữ viết Trung Quốc có thể phân làm hai nhánh: Giản thể và Phồn thể.
II. SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ GIẢN THỂ VÀ PHỒN THỂ
1. Nguyên nhân cải cách chữ Hán
Theo truyền thuyết, Thương Hiệt đã quan sát và bắt chước các hiện tượng thiên nhiên và tạo ra chữ Hán. Sau này, các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc đã bác bỏ điều này. Dựa vào các tài liệu khảo cổ, chữ Hán cổ xưa nhất được tìm thấy trên mai rùa và xương thú. Loại chữ này được gọi là Giáp Cốt Văn, xuất hiện vào đời nhà Thương (1766 – 1122 TCN).
Khác với hệ thống chữ biểu âm dễ học, dễ tiếp thu của Phương Tây, chữ Hán tồn tại quá nhiều khiếm khuyết. Rất nhiều tri thức Trung Quốc cho rằng chữ Hán vừa nhiều vừa phức tạp, khó viết, khó học. Hệ lụy là hầu hết dân mù chữ, dân trí thấp, khiến cho Trung Quốc không phát triển được khoa học kĩ thuật, đất nước nghèo khổ lạc hậu.
Chính vì lẽ đó, thêm vào những động cơ chính trị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ khi lên nắm quyền năm 1949 đã tích cực thực hiện đơn giản hóa chữ Hán.
Phải nói thêm là, quá trình đơn giản hóa chữ Hán vốn đã được bắt đầu từ rất lâu. Những chữ Hán Giản thể được tìm thấy xuất hiện từ trước những năm 420. Trên các tác phẩm thư pháp, chuông đồng cổ đại… đều có sự xuất hiện của các chữ Hán Giản thể thông thường.
Trên cơ sở những chữ Hán Giản thể được lưu hành trong dân gian, Nhà nước Trung Quốc thực hiện hệ thống, bổ sung và cho ra đời bảng chữ Hán Giản thể hiện hành.
2. Kết quả của cuộc cải cách chữ Hán Phồn thể thành chữ Giản thể
Chữ Hán Giản thể để sử dụng chính thức tại Trung Quốc và Singapore.
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử nhằm phổ biến ngôn ngữ Trung. Hệ quả, các giáo trình tiếng Trung đang được giảng dạy trên thế giới đa phần là chữ Hán Giản thể.
Riêng Đài Loan, Hồng Kong vẫn sử dụng tiếng Trung Phồn thể.
III. NÊN HỌC CHỮ HÁN GIẢN THỂ HAY TIẾNG TRUNG PHỒN THỂ?
Đến đây, Phương muốn nhắc lại một lần nữa:
- Khái niệm Giản thể và Phồn thể là đề cập đến chữ viết.
- Cả Trung Quốc và Đài Loan đều dùng Tiếng Trung Quốc chuẩn làm ngôn ngữ nói chính thức.
1. Chữ Hán Giản thể và Phồn thể có gì giống nhau?
Chính phủ Trung Quốc ban hành Bảng Chữ Hán Thường Dùng (现代汉语常用字表), có 3500 chữ Hán, trong đó chữ giản hóa chiếm 30% với 1116 chữ.
Những chữ Hán phức tạp được đơn giản hóa, ít nét hơn và dễ dàng viết hơn. Một người chỉ học Giản thể hoặc Phồn thể đều có thể đọc được cả 2 hệ chữ viết.
2. Giản thể và Phồn thể khác nhau như thế nào?
Chữ Hán Giản thể (简体字) được giản hóa từ chữ Hán Phồn thể (繁體字 hoặc 正體字) dựa trên 6 phương pháp cơ bản.
a. Yếu tố giống nhau
Giản thể của một chữ Hán được dùng giống nhau trong các từ có chứa chữ đó.
b. Đồng âm
Khi hai hoặc nhiều chữ đồng âm, chỉ có chữ có cách viết đơn giản nhất được giữ lại.
c. Thay thế một phần
Một kí hiệu mới, đơn giản thay thế cho nhiều nhóm nét phức tạp.
d. Loại bỏ một phần
Loại bỏ đi các yếu tố phức tạp trong chữ.
e. Đơn giản hóa hình dạng
Chữ mới được tạo ra bằng cách đơn giản hóa hình dạng cũ.
f. Tạo mới
Một chữ mới hoàn toàn được tạo ra thay thế chữ cũ.
3. Nên học Giản thể hay Phồn thể?
Lựa chọn nên học chữ Hán Giản thể hay tiếng Trung Phồn thể phụ thuộc vào mục đích học của bạn.
Nhiều bạn sợ hãi khi nghe nói đến chữ Phồn thể, vì nghĩ rằng nó nhiều nét quá, nhớ không nổi. Đây là một quan niệm sai lầm nhưng cực kì phổ biến, nhất là ở những bạn mới bắt đầu học tiếng Trung.
Học chữ Phồn thể không khó! Chữ Phồn thể cung cấp cho bạn nhiều manh mối trong việc xác định nghĩa của từ cũng như phát âm. Nghĩa là, nhìn vào một chữ Hán Phồn thể, bạn có thể hiểu được nghĩa của từ, nắm được cách viết và cả cách phát âm. Do đó, học chữ Phồn thể TIẾT KIỆM THỜI GIAN HƠN.
Phương tự học tiếng Trung với chữ Hán Giản thể trong suốt 2 năm. Cho đến khi sang Đài Loan, Phương mới tiếp xúc với tiếng Trung Phồn thể. Không thể phủ nhận, Phương cần một gian đoạn chuyển tiếp trong việc sử dụng 2 hệ chữ. Thời gian đó là 1-2 tuần đầu tiên. Sau đó, Phương đã học và viết chữ Phồn thể rất tự nhiên, không có trở ngại. Giờ đây, Phương có thể sử dụng thành thạo song song hai hệ chữ Hán Giản thể và Phồn thể.
Có thể bạn quan tâm