Hôm nay, 23/09/2014, là ngày thứ mười một của hành trình chinh phục Tây Bắc bằng xe máy của Phương. Câu chuyện dưới đây ghi lại chặng đường từ Tú Lệ (Yên Bái) đến Thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên).
Một ngày lạnh điên cuồng! Không giống như Sapa, lạnh phảng phất, se se tuy tê tái đôi lúc nhưng dư vị dịu nhẹ. Cái lạnh của hôm nay là lạnh âm ỉ đến thấu xương, tê buốt đến tê dại tay, chân, mắt. Nhất là khi Phương mặc quần đùi chạy xe cả ngày. Hôm đi từ Cốc Pài đến Bắc Hà, Phương dầm mình trong bùn và mưa gió do sạt lở đường. Hậu quả là toàn bộ quần áo đều ướt và dính bùn. Mãi đến Y Tý mới giặt được. Mà từ bữa đấy đến nay, chả có hôm nào nắng. Nên cái quần ngắn duy nhất còn sót lại đã được Phương ưu ái mặc hai ba ngày nay rồi. Tóm lại, hôm nay là một ngày rất lạnh.
Rời Tú Lệ tầm 9h sáng, Phương hào hứng vượt đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo. Sau những ngày chinh chiến trên cung đường Đông – Tây Bắc, con đèo nào cũng giống con đèo nào. Không còn xa lạ với cái kiểu cua tay áo tiếp nối hay dốc lên dốc xuống chập chùng. Xa lắm rồi cái cảm giác lần đầu vượt đèo Hải Vân bằng xe máy hồi phượt miền Trung 2013. Đó là cảm giác háo hức của lần đầu tiên vượt “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Là cảm giác nghẹt thở khi vượt những đoạn cua tay áo, hay khi xe chạy sát bờ miệng vực. Còn lần này lại khác.
Đông – Tây Bắc thì chập chùng đèo là đèo. Đèo dốc nhiều đến nỗi người ta chả buồn đặt tên làm gì cho mệt. Cho dù có đặt tên thì cũng chả ai nhớ hết. Và cái đèo nào thì cũng giống cái đèo nào: quanh co, hiểm trở và trùng trùng điệp điệp. Hôm qua vượt Đèo Khau Phạ, Phương cũng cảm thấy bình thường như mọi ngày. Chỉ có sáng nay thì rất khác biệt: lần đầu tiên vượt đèo trong sương mù.
Những tia nắng không đủ mãnh lực để lọt xuyên qua màn mây, sưởi ấm cho mặt đất. Mặt trời vẫn cứ đứng yên đấy và trời cứ lạnh. Được chừng 2/3 đoạn đèo thì bắt đầu xuất hiện sương mù dày. Xe như đi giữa những làn mây. Có lúc Phương cũng khờ dại mà cố gắng chìa tay bắt mây nhưng mãi không được. Rồi lại bâng quơ suy nghĩ sao Tôn Ngộ Không có thể cưỡi được Cân Đẩu Vân. Nói chung không liên quan gì nhưng Phương đôi khi có những suy nghĩ vu vơ kiểu thế.
Mây che phủ núi, phủ lấp cả đường đi. Càng đi sâu vào trong đèo thì mây mỗi lúc một dày hơn, trời càng lạnh hơn. Mãi thích thú chạy xe trong làn sương, Phương đã quên đi hai đôi chân tím tái vì lạnh. Trời ơi, 20 năm trên đời mới lần đầu tiên thấy sương mù. Hít thở nó, lấy tay cố gắng chạm nó và vẫy vùng cùng nó, thiệt là vô cùng cảm động.
Vượt xong Đèo Khau Phạ thì đến ngay Ngã ba Nậm Khắt. Đi theo con đường bê tông mới tráng khoảng 6 km là đến Nậm Khắt. Tại ngã ba cuối đường thì rẽ trái đi vào con đường đá dăm. Cứ thẳng đường đấy là ra đến Ngọc Chiến và cũng cứ thế thẳng tiến Mường La. Có những đoạn ngã ba không biết đi đâu, và trên bản đồ cũng không hiển thị đường đi. Khi ấy cách tốt nhất là dùng “mồm map”, hỏi dân địa phương là chắc ăn nhất.
Từ đoạn Nậm Khắt trở đi thì đường xấu lắm. Một phần vì đường đang được thi công. Một phần khác do đường bị sụt lún vì hậu quả trận bão vừa qua. Đi các đoạn này, tay lái phải chắc, con mắt phải tinh, cái đầu phải lanh lẹ để tính đường. Qua hết đoạn sạt lở khoảng tầm hơn 10 km sẽ đến một ngã ba. Đi qua cầu và thẳng tiến Mường La.
Chuyện không có gì để nói đến khi Phương gặp phải cái trò xin đểu. Vừa quẹo ngã ba cầu, đường bị chặn lại bằng một cây gỗ dài kèm theo tấm biển “Thu phí đường”. Hỏi ra mới biết do đoạn này mới sạt lở, đất đá ngổn ngang. Và có ba người tự nhận là họ vừa san lấp, dọn đá hay “làm lại đường”. Cho nên họ thu phí mỗi xe máy đi qua là 20.000 đồng.
Đoạn sạt lở chừng 15 m, chỉ cần dọn đá 5 phút là qua được, chắc tay lái thì cứ băng băng. Thế mà lại có người lập chốt xin tiền giữa đường. Họ là người của làng sát bên đó, vì Phương để ý là dân của làng này đi qua thì không thu phí. Phương đành móc túi đưa ra 20.000 đồng để qua. Phương cũng không thể quay lại vì như vậy phải chạy gần 30 km để ra lại Ngã ba Kim. Trước lúc đi Tây Bắc, Phương đã được dặn dò “đồng bào họ đoàn kết lắm, có gì là họ kéo cả làng ra”. Vậy nên bức xúc đến mấy, Phương cũng không dám chạy ra nói cho rõ ràng.
Đường tới Mường La chạy giữa hai triền núi, giữa cánh đồng đang mùa gặt, lúa chín trổ vàng đẹp mắt vô cùng. Thủy điện Nậm Chiến thuộc huyện Mường La nằm cheo leo giữa hai vách núi. Phong cảnh thật hữu tình và đẹp đến mê người. Tầm 11h30, Phương quyết định ngồi trên đập thủy điện ăn trưa với bánh chưng chấm muối Tây Ninh. Vừa ăn vừa ngắm cảnh thiệt là đã.
Ăn trưa xong, Phương ghé thăm Thủy điện Sơn La. Công trình hiện ra trước mắt thực sự làm Phương đứng im tần ngần vì nó quá đẹp. Đó là cái đẹp của công trình nhân tạo hòa lẫn vào vẻ đẹp của núi rừng sông suối. Là cái đẹp của khát khao muốn phát triển, khát khao chinh phục và sử dụng tự nhiên. Cái đẹp của lòng quả cảm, dám nghĩ dám làm của ông cha ta hàng chục năm về trước. Tiếc là, không được đi trên bờ đập như ở Mường La, Phương chỉ có thể ngắm nhìn đập thủy điện từ khu vực cho phép tham quan. Đi thêm 40 km nữa sẽ đến Thành phố Sơn La. Do ở đây không có nhiều địa điểm tham quan, Phương đi thẳng về Tuần Giáo (Điện Biên).
Vượt Đèo Pha Đin là Phương chinh phục đủ tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. Đèo Pha Đin là một trong những địa điểm bị Pháp đánh phá ác liệt nhất, để ngăn chặn đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nhưng dù bị đánh phá ác liệt cỡ nào, bộ đội và nhân dân ta vẫn kiên cường bám đường, mở đường ra tiền tuyến.
Theo tiếng địa phương thì Pha là trời và Đin là đất. Đèo Pha Đin được người dân coi đây là nơi đất trời gặp nhau nên mới có tên Pha Đin. Đèo này là ranh giới tự nhiên giữa Điện Biên và Sơn La. Ngày xưa, do tranh chấp đèo nên hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (sau này tách thành Lai Châu và Điện Biên) đã tổ chức một cuộc đua ngựa với quy ước: nơi hai con ngựa gặp nhau là ranh giới. Do ngựa của Lai Châu chạy nhanh hơn nên phần đèo thuộc Điện Biên nhiều hơn Sơn La.
Trước đây khi chưa mở còn đường mới, muốn vượt Đèo Pha Đin thì phải bọc lên Quốc lộ 6 (cũ). Đường vô cùng khó khăn và hiểm trở, đi mà sơ sẩy một chút là gieo mình xuống miệng vực sâu bên dưới. Giờ đây, khi con đường đèo mới khánh thành, nằm phía dưới đèo cũ, thì con đường cũ càng nguy hiểm hơn gấp bội phần. Vì không có dân sinh sống xung quanh suốt gần 32 km đường đèo, đặc biệt là khi vượt đèo vào ban đêm. Bởi vậy, Phương quyết định đi đường đèo mới. Dù đường tráng nhựa, bốn làn xe thẳng tắp nhưng những khúc của ngoặt liên túc, dốc xuống liên tục đủ làm nên sự nguy hiểm của một trong tứ đại đỉnh đèo này. Cộng vào đó, đây là tuyến đường huyết mạch từ Sơn La đi Điện Biên, nên dù trời tối đường vẫn đông xe di chuyển. Lâu lắm rồi mới thấy cảnh “các em xe tải” bò từng cm lên đèo và thắng két két vang rền mỗi khi xe xuống dốc.
Càng về đêm, đường đèo càng lạnh. Dù mới chỉ 6h tối nhưng trên đèo lạnh thấu xương, Phương mặc hai cái áo ấm mà chưa xi nhê gì. So với ở đây thì nhiệt độ Sapa cũng xoàng. Bởi vậy, đi đường đèo khác nguy hiểm một thì đây phải gấp mười. Nếu bình chọn con đèo hiểm trở, khó đi và nguy hiểm nhất trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc thì chính là Đèo Pha Đin.
Vượt qua Pha Đin là đến Thị trấn Tuần Giáo (Tuần Giáo, Điện Biên). Sau một ngày mệt nhoài, Phương nhâm nhi tí cơm và kiếm nhà trọ giá rẻ ngả lưng. Mai lên đường đi A Pa Chải.
Đã năm năm kể từ hành trình chinh phục Tây Bắc năm nào, hình ảnh chuyến đi không còn đủ đầy vì lúc đó làm gì có máy ảnh ngon, điện thoại xịn như bây giờ. Cũng nhờ vậy, Phương đã thu hết trong tầm mắt mọi cảnh đẹp trên đường, khắc trọn trong trái tim những người, những vật của chuyến hành trình. Còn lại những tấm hình chất, ổn, Phương chia sẻ lên web để bạn cùng xem.