THIẾU NỮ PHONG, THIẾU NỮ PHONG

Apr 28, 2020

Thiếu Nữ Phong 少女峰 là tên gọi của một đỉnh núi thuộc dãy Sài Sơn 柴山, cách khu kí túc xá Thúy Hanh 翠亨 của Đại học Quốc lập Trung Sơn khoảng 3 km.

Sài Sơn không chỉ là một thắng cảnh nổi tiếng mà còn được mệnh danh “lá phổi xanh” của Cao Hùng. Đến đây, du khách có thể hiking trên những cung đường xuyên núi đẹp như tranh và khám phá hệ động thực vật đa dạng và có tính đặc hữu, tiêu biểu là loài khỉ Formosa. Sài Sơn được hình thành từ sự nâng lên của hình thái địa hình rạn san hô, địa thế cao dần từ bờ biển, lớp trầm tích của núi có thành phần chính là canxi cacbonat. Do đó, nơi đây có nhiều hang động hoang sơ với những khối nhũ to lớn cùng nhiều vách đá hiểm trở được hình thành do bị bào mòn theo thời gian.

Đoạn đường núi từ kí túc xá của Phương đến Thiếu Nữ Phong theo Google Map hiển thị chỉ có 3 km. Nhưng thực tế, Phương đã mất đến 3 tiếng đồng hồ để leo đến đỉnh và gần 2 tiếng nữa để xuống núi.

1. Khởi hành khám phá Thiếu Nữ Phong

6 giờ sáng, sau khi đã nạp đường và thực hiện kĩ lưỡng các bài khởi động, Phương lên đường khám phá Thiếu Nữ Phong. Do khu vực xung quanh trường và núi có rất là nhiều khỉ nên Phương chỉ mang theo 1 chai nước lọc, 1 ít bánh kẹo. Mọi thứ được bỏ vào ba lô có khóa kéo cẩn thận. Bạn tuyệt đối không được cầm đồ ăn trên tay hoặc để vào bịch nilon. Bởi như thế chính là mời gọi bầy khỉ đến thỉnh an đấy nhé!

Men theo con đường bê tông bên hông Viện Văn Học, Phương đi thẳng là vào đến bìa rừng. Hết đoạn đường này lại ra đến một ngã ba đường, trước mặt là một con đường bê tông. Sau đấy, Phương theo hướng dẫn từ GPS mà rẽ trái, đi tiếp là bắt đầu vô rừng.

Thiếu Nữ Phong trạm dừng chân
Đến trạm dừng chân rồi!

Qua hết đoạn này, đường bắt đầu lên dốc. Mặc dù vậy, những bậc thềm được đắp dọc lối đi giúp Phương di chuyển đỡ vất vả hơn. Cuối dốc là một trạm dừng chân rất đẹp. Nơi đây có nhiều bàn ghế để bạn nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Từ trạm dừng chân có ba con đường dẫn lối sâu vào rừng. Và câu chuyện lạc đường của Phương cũng bắt đầu từ đây.

2. Lạc đường phiêu lưu ký

Theo bản đồ, từ Viện Văn Học lên Thiếu Nữ Phong chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Vì vậy, sự xuất hiện của ba lối đi này làm Phương hoang mang. Và cũng chẳng có ai để mà hỏi đường. Vì vậy, Phương bắt đầu chọn con đường nhìn có vẻ dễ đi nhất để thử. Đi được chừng 15 phút, trước mặt liền xuất hiện một vách núi cao, không cách nào leo lên được. Xung quanh cũng không có đường mòn hoặc lối đi khác. Giở bản đồ ra xem, GPS định vị Phương đã lệch ra khỏi con đường trên bản đồ. Thế là đành quay trở lại trạm dừng chân.

Phía sau trạm dừng chân có một lối đi khác. Lối này cây cối rậm rạp hơn và mặt đường cũng dốc hơn hẳn. Dù vậy cũng phải thử xem sao. Leo lên được một đoạn thì mất hẳn dấu vết đường, chỉ toàn cây là cây. GPS cũng định vị Phương đang đứng lệch khỏi con đường lên Thiếu Nữ Phong. Lần này cũng thất bại.

Thiếu Nữ Phong đường lên núi.
Quang cảnh dọc đường lên núi.

Hai lần thất bại và người cũng đã thấm mệt, Phương tiu ngỉu quay lại trạm dừng chân nghỉ ngơi. Lúc này đây, Phương ngồi phân tích lại bản đồ và hướng di chuyển của hai lần trước. Bỗng nhiên, Phương cảm giác có gì đó sai sai. Vì lần đầu tìm đường, GPS báo Phương đi lệch về phía trái của đường. Lần hai thì đi lệch về phía bên phải. Nhưng ở chính giữa thì … Á đù, đúng là nó con một con đường thật. Nhưng phía trước con đường này có bảng cấm vào do đường sạt lở. Và Phương thấy bảng cấm vào thì không vào chứ sao.

3. Đúng đường lên Thiếu Nữ Phong rồi!

Nghỉ ngơi đâu vào đấy, Phương quay lại lối đi có bảng cấm khi nãy. Đang đứng dò GPS thì sau lưng vang đến tiếng cười nói của một nhóm leo núi người Đài. Mừng như bắt được vàng, Phương liền hỏi họ cách lên Thiếu Nữ Phong. Họ xác nhận con đường có bản cấm chính là con đường chính xác. Và khi nghe họ nói nhóm thường xuyên chinh phục đỉnh núi này, Phương liền nhập hội.

Đi vào sâu hơn, Phương mới hiểu tại sao phía ngoài lại có biển cấm. Địa hình đá vôi ở đây rất xấu. Bề mặt bị xói mòn mạnh mẽ. Nên mọi người tuyệt đối không được đi con đường này vào mùa mưa hoặc những ngày trời mưa, tuyết. Với địa hình không ổn định như vậy, rất dễ xảy ra hiện tượng lở đất, lở núi.

Vui vẻ vì đã tìm đúng đường chưa được bao lâu, Phương đã hết hồn khi trước mặt Phương là dốc đá gần như thẳng đứng. Hai bên không có dây thừng hay dây leo để bám vào. Để leo lên, mọi người phải căng cả người ra như người nhện đu tường, rồi y theo những vận động viên Rock Climbing, từng cm một mà bám vào đá leo lên đỉnh. Muốn vượt qua đoạn này, ngoại trừ thể lực tốt, có bao tay với giày chống trơn trượt, bạn phải bình tĩnh, lựa chọn chính xác nơi bám tay, chân và di chuyển thận trọng. Quan trọng nhất là, tuyệt đối không được nhìn xuống bên dưới! Vì chỉ cần một người sơ xẩy thì cả đoàn người phía sau sẽ rơi tự do ngay và luôn.

4. Tiếp tục bò lên đỉnh!

Thiếu Nữ Phong gian lao vất vả
Qua khỏi vách đá thẳng đứng, bạn sẽ tiếp tục bò lên núi.

Tiếp sau màn đu dốc đá là màn phải bám dây leo và dùng thân bò trườn lên đỉnh. Lúc này đây, Phương lần đầu tiên hiểu được cái gì gọi là “Tiến không được, lùi cũng không xong.” Cuối cùng, khi không thể một mình quay lại đường cũ, Phương đành phải đi tiếp. Hậu quả là một thân bùn đất, không ra hình người. Vốn dĩ Phương nghĩ là chuyến này đi leo núi nhẹ nhàng, cuối cùng lại thành đu núi đá. Chút trớ trêu này càng làm tăng thêm cảm giác tự hào về bản thân khi đã chinh phục Thiếu Nữ Phong.

Cuối cùng cũng lên tới đỉnh. Từ Thiếu Nữ Phong, Phương có thể nhìn thấy dãy Sài Sơn và Vịnh Tây Tự 西子灣. Đúng là vô cùng tuyệt mỹ! Lên đến trên đây mà còn gặp hai em xẻo cưa, đúng là ông trời quá sức đối tốt với Phương. Hai em này còn theo Phương xuống núi, dọc đường đi còn không ngừng đợi chờ và cổ vũ nhóm Phương. Mặc dù vậy, khi hai em í rủ tuần sau đi leo núi nữa, Phương đã cười nhẹ nhàng: Đời người có những chuyện chỉ cần một lần thành công là được!

Thiếu Nữ Phong lên đỉnh
Công đỉnh rồi!!!

5. Xuống núi cũng lắm gian nan

Do mải mê ngắm cảnh và ngắm trai, Phương đã không để ý đến nhóm các leo núi người Đài ban nãy đã đi từ lúc nào. Lúc này trên đỉnh chỉ còn 2 người nhóm Phương và một nhóm bạn trẻ người Cao Hùng. Nghe họ kể chuyện mới biết, họ leo đến Thiếu Nữ Phong bằng một con đường khác, và họ cũng đu bám đá rất nhọc nhằn. Thế là, họ dự định đi con đường Phương đã leo ban nãy. Ù ôi, Phương phải thuyết phục họ rằng đường có nhiều dốc thẳng đứng, xuống mà không có dây thừng hay dụng cụ hỗ trợ chuyên nghiệp quá sức nguy hiểm. Trừ phi là người nhện mới có thể an toàn xuống núi.

Thiếu Nữ Phong ngã rẽ quan trọng.
Qua hết đoạn này là có đường mòn xuống núi an toàn.

Có một chút hoang mang nhẹ khi cả bọn đều là lần đầu tiên đến đây. Nhưng trước đó, Phương được biết còn một con đường an toàn hơn để xuống núi. Chính ngay sau khúc bò trườn, có một lối mòn nhỏ để thoát ra. Rốt cuộc sau một hồi lòng vòng, cả bọn cũng tìm được đến nơi. Chỉ có điều, bây giờ không cần dùng tay chân, mà phải dùng mông mà trượt.

Đoạn đường xuống núi này vẫn kiểu dốc đứng, đá bụi rất trơn, nên cách xuống nhanh và an toàn nhất là hai tay đu dây leo bên đường và dùng mông trượt từng chút một. Ngày thường vẫn cứ oán hận mông mình to méo có thẩm mỹ, đến hôm nay thì mới hiểu ra chân lý: Trời sinh vạn vật đều có dụng ý. Mông to để dành những lúc này đây, trượt xuống núi êm như ru. Trượt tầm 30 phút, bên tay trái xuất hiện một con đường mòn. Men theo con đường này mà đi, đi mãi đi mãi là ra đến được Viện Văn Học.

6. Những lưu ý khi chinh phục Thiếu Nữ Phong

  • Nạp đường và protein để có thể lực leo núi.
  • Mang theo đủ nước uống. Nếu có các loại nước bổ sung chất điện giải thì càng tốt.
  • Khởi động kĩ lưỡng để tránh các chấn thương trong quá trình leo núi. Và cuộc đời không phải lúc nào cũng có xẻo cưa sẵn sàng cõng bạn xuống núi.
  • Đừng quên bao tay!!!
  • Giày có độ bám tốt và êm chân.
  • Một ít đồ sơ cấp cứu. Nếu có điều kiện, hãy trang bị chai xịt lạnh (loại chuyên dùng trong thể thao).
  • Thông báo cho người thân, bạn bè biết hành trình của bạn, để khi sự cố thì họ sẽ kịp gọi cứu hộ. Điện thoại cũng cần sạc đầy pin. Điện thoại vẫn có sóng và GPS luôn hiển thị dù ở trong rừng.
Thiếu Nữ Phong nhìn từ đỉnh
Quang cảnh Vịnh Tây Tự nhìn từ Thiếu Nữ Phong.

Nếu có dịp đến Đài Loan, đừng quên một lần ghé Thiếu Nữ Phong để trải nghiệm thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng núi Sài Sơn. Cảm giác tuyệt vời của việc đứng ở trên đỉnh cao ngắm nhìn non xanh nước biếc, chỉ những ai đã đến Thiếu Nữ Phong mới có thể hiểu được.

guest

0 Comments
Inline Feedbacks
XEM TẤT CẢ BÌNH LUẬN
error: Bài viết được bảo vệ để chống sao chép!