1 NGÀY TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA TỘC NGƯỜI SEEDIQ

Dec 23, 2020

Ngày 27/11 vừa qua, Phương có cơ hội tham quan cộng đồng thổ dân Đài Loan tại Huyện Nam Đầu. Nào, cùng theo chân Phương trong một ngày trải nghiệm văn hóa tộc người Seediq nhé!

I. CULTURAL TOURS IN CENTRAL TAIWAN (文化遠朋) LÀ GÌ?

Chương trình Cultural Tours in Central Taiwan (文化遠朋) do Bộ Văn hóa Đài Loan (中華民國文化部) chỉ đạo thực hiện và Viện Nghệ thuật Cuộc sống Quốc gia Chương Hóa (國立彰化生活美學館) chịu trách nhiệm tổ chức. Mục đích của chương trình nhằm quảng bá sự đa dạng của những thị trấn, miền quê Đài Loan thông qua ẩm thực, văn hóa và đời sống cư dân địa phương. Hãy đến tham gia để được đắm mình vào cuộc sống thực sự của người bản địa, để trải nghiệm những nét đẹp văn hóa nơi đây và để biết yêu hơn hòn đảo Đài Loan dịu dàng, xinh đẹp.

Trong năm 2020, chương trình bao gồm 7 tour trải nghiệm văn hóa tại khu vực miền Trung Đài Loan, diễn ra từ trung tuần tháng 11 đến tháng 12. Đặc biệt, đây là một chương trình HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ dành cho người nước ngoài đang cư trú tại Đài.

Cultural Tours in Central Taiwan
Cultural Tours in Central Taiwan (Ảnh: Ban Tổ chức)

Để tham gia, bạn chỉ cần đăng ký online theo hướng dẫn tại Fanpage chương trình, và chuyển khoản đặt cọc 500 TWD. Tiền cọc sẽ được gửi lại tận tay bạn vào ngày chương trình diễn ra. Lưu ý, mỗi người chỉ được đăng ký 1 trong số 7 tour của chương trình. Mỗi tour như vậy giới hạn 40 người tham gia.

II. MÁU ĐÃ ĐỔ CHO NGÀY NAY HOA NỞ

Từ điểm tập kết tại Ga Xe lửa Đài Trung, đoàn chúng tớ ngồi ô tô di chuyển khoảng 1 giờ đồng hồ là đến được Thị trấn Nhân Ái, Huyện Nam Đầu (南投縣仁愛鄉).

Đến nơi, khung cảnh yên bình và không khí trong lành của miền núi cao ngay lập tức giúp chúng tớ sảng khoái tinh thần. Rời xe, đi bộ thêm 3 phút, chúng tớ đến Nhà Cộng đồng của bộ lạc. Phía trên sân khấu được dựng ở chính giữa Nhà, một bác gái trong sắc phục truyền thống của thổ dân tươi cười, vẫy tay chào đón đoàn khách từ phương xa đến.

Sau màn chào hỏi xã giao ban đầu, đợi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, bác gái bắt đầu giới thiệu: “Bộ lạc Thanh Lưu chúng tôi đã sống tại mảnh đất này 90 năm rồi.”

Nghe đến đó, Phương có chút bất ngờ. Bởi vì 90 năm nghe có vẻ dài, tuy nhiên, với lịch sử phát triển của một tộc người mà nói, nó chỉ là một dấu chấm rất nhỏ. Vậy, chuyện gì đã xảy ra?

Sau một lúc trầm mặc, bác gái nhoẻn miệng cười và mời tất cả chúng tớ cùng hướng lên màn hình để theo dõi video 5 phút sau đây:

Câu chuyện bi tráng hơn 90 năm về trước của Bộ lạc Thanh Lưu

Xem xong đoạn phim này, cả hiện trường lúc đó im bặt. Một số bạn lén lấy tay lau nước mắt, trong khi đó, vài bạn khác trưng ra khuôn mặt thảng thốt và hoài nghi. Không ai bảo ai, tất cả đều đang chờ đợi bác gái giải thích tiếp về câu chuyện vừa được xem.

Bác gái lúc này, hướng mắt về nơi xa xăm rồi bắt đầu kể: “Tên tôi là Lý Thục Trân (李淑珍), còn tên tộc của tôi là Mahung Bawan (瑪姮˙巴丸). Và vị tù trưởng bộ lạc Mahebo (馬赫坡社) mà các bạn nhìn thấy trong đoạn video kia, Mona Rudao (莫那魯道), chính là ông cố của tôi.”

Chân dung Mona Rudao
Thủ lĩnh Mona Rudao (giữa)

1. Tộc người Seediq (賽德克族)

Đài Loan gọi các dân tộc thiểu số đã định cư hàng mấy thế kỷ trước trên hòn đảo, trước cả khi những người Hoa đầu tiên di dân từ Trung Quốc Đại Lục đến, là Thổ dân Đài Loan (原住民). Tháng 04/2008, Tái Đức Khắc (賽德克族) hay còn gọi là Seediq chính thức được công nhận là tộc người Thổ dân Đài Loan thứ 14.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng bốn hoặc năm trăm năm trước, người Seediq đã thành lập nhiều cộng đồng ở sông Trọc Thủy (濁水) và các phụ lưu của nó. Vì các bộ lạc sống rải rác, giao thông không thuận tiện và các cộng đồng không giao lưu với nhau, nên họ đã hình thành phong tục văn hóa của từng bộ lạc và phát triển một ngôn ngữ riêng biệt.

Và 6 bộ lạc của người Seediq – từng tham chiến chống Nhật năm 1930 – buộc phải di chuyển đến trung lưu của thềm sông Bắc Cảng (北港). Người Nhật gọi họ Cộng đồng Xuyên Trung Đảo (川中島社). Và họ chính là Bộ lạc Thanh Lưu (清流部落) ở Thị trấn Nhân Ái, Huyện Nam Đầu (南投縣仁愛鄉) ngày nay.

2. Sự kiện Wushe (霧社事件)

Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất kết thúc bằng Hiệp ước Shimonoseki (馬關條約), tháng 04/1895. Theo đó, triều đình nhà Thanh buộc phải nhượng lại đảo Đài Loan (kể cả Quần đảo Bành Hồ) cho Nhật. Từ đây cho đến tận khi Thế chiến thứ hai kết thúc (1895-1945), Đài Loan được đặt dưới sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản.

Kể từ năm 1895, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp đàn áp, cai trị tàn bạo đối với các cộng đồng thổ dân Đài Loan. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Seediq là tôn trọng trời đất và Mẹ Thiên nhiên, nhưng người Nhật yêu cầu họ chặt phá rừng, đốn gỗ để phục vụ Đế quốc Nhật. Khi những cánh rừng già, bãi săn không còn, những người thợ săn này sẽ ra sao? Người Seediq tin rằng hình xăm mặt (紋面) là dấu ấn để linh hồn họ có thể trở về quê hương tổ tiên, nếu không có sẽ trở thành cô hồn dã quỷ, nhưng người Nhật nghiêm cấm. (Chính vì vậy, các vị bô lão của Bộ lạc Thanh Lưu ngày nay đều không có hình xăm mặt.) Mất đi tự do, mất đi nơi sinh sống, mất đi tín ngưỡng văn hóa, người Seediq biết bám víu vào đâu?!

失去了土地,失去了天空, 自問 不能失去什麼?

Đánh mất đất đai, đánh mất bầu trời,

Tự hỏi điều gì là chúng ta không thể đánh mất?

(將軍令 Tướng quân lệnh,五月天 Mayday)

Tức nước thì vỡ bờ! Ngày 27/10/1930, những chiến binh Seediq tấn công người Nhật tại sự kiện đại hội thể thao của Trường Công lập Wushe. Ngay sau đó, Đế quốc Nhật đã huy động quân đội và cảnh sát để đàn áp, sử dụng đến máy bay, vòi rồng và cả chất độc hóa học. Thậm chí, người Nhật còn áp dụng chiến thuật “lấy người thổ dân đánh người thổ dân”. Nhật lợi dụng những bộ lạc thù địch với người Seediq và treo thưởng rất cao cho mỗi một đầu người Seediq bị sát hại, bất kể nam giới hay là phụ nữ, trẻ em.

Hậu quả của cuộc chiến không cân sức đó là:

  • Mona Rudao (莫那魯道), thủ lĩnh của cuộc nổi dậy, đã tự sát.
  • Hàng trăm người thổ dân treo cổ tự tử tập thể.
  • 6 bộ lạc tham chiến có tổng dân số là 1800 người, sau sự kiện Wushe chỉ còn lại 298 người. KHÔNG CÓ GIA ĐÌNH NÀO LÀ HOÀN CHỈNH, ĐẦY ĐỦ.

3. Những điều cấm kị

Sự kiện Wushe đã làm chấn động chính phủ Nhật Bản và cộng đồng quốc tế thời bấy giờ, gây áp lực lên chính sách về vấn đề thổ dân của Đài Loan. Wushe còn được xem là hoạt động vũ trang chống Nhật cuối cùng của nhân dân Đài Loan trong thời kì Nhật Bản cai trị.

Tuy vậy, Sự kiện Wushe từ lâu đã trở thành điều cấm kị của Bộ lạc Thanh Lưu. Không ai được phép nhắc đến nó nữa. Tại sao lại như vậy?

298 người sống sót của Bộ lạc Thanh Lưu không bao giờ có thể quay trở lại nhà của mình nữa. Họ bị cưỡng chế đến Xuyên Trung Đảo (川中島), tức là Thị trấn Nhân Ái, Huyện Nam Đầu (南投縣仁愛鄉) ngày nay.

Anh hướng dẫn viên chỉ vào bức ảnh lớn giữa tường nhà và hỏi đoàn sinh viên chúng tớ: “Các bạn thấy điều gì đặc biệt trong bức ảnh này không?”

Chuanzhongdao những năm 1931
Hình ảnh Chuanzhongdao 川中島

Rồi anh từ tốn giải thích: Trước hết, hãy quan sát phần mái của những ngôi nhà này. Nó được lợp bằng cỏ của vùng bản địa. Điều này cho thấy những người còn sống sót, ông bà của chúng tôi, buộc phải thích ứng với cuộc sống mới, với điều kiện thiên nhiên hoàn toàn khác với trước đây. Không còn gỗ xây nhà, chúng tôi dùng cỏ làm mái, dùng đất, ván cây đắp làm tường nhà. Chúng tôi phải quen với khí hậu nóng bức, thay vì cái lạnh ẩm của vùng núi cao; chuyển sang trồng trọt và sản xuất.

Điểm đặc biệt thứ hai trong bức hình này, bạn có nhận ra không? Những người góc trái bên dưới bức hình đều là lính Nhật. Sau sự kiện Wushe, Đế quốc Nhật vẫn sợ Bộ lạc Thanh Lưu trả thù. Do đó, nhằm duy trì trị an và quản lý chỉ 298 người dân, họ sử dụng đến cả trung đội lính Nhật và cảnh sát.

Thậm chí, Nhật cảm thấy trong số những người dân được tập kết tại Xuyên Trung Đảo (川中島), vẫn còn có những chiến binh. Qua những cuộc điều tra trực tiếp và thăm khám không báo trước, 23 người đã được tìm thấy. Họ bị đưa đến Phố Lý (埔里 là một thị trấn thuộc Huyện Nam Đầu ngày nay) để hành quyết dưới danh nghĩa tham quan và không bao giờ trở lại. Sau này, rất nhiều xương người đã được tìm thấy ở đó.

Kể từ đó, bộ lạc không nhắc một lời nào về Sự kiện Wushe nữa. Nó đã trở thành một điều cấm kị! Cho đến năm 2011, bộ phim 《賽德克‧巴萊》(Warriors of the Rainbow: Seediq Bale) được công chiếu. Và điều này đã đưa Sự kiện Wushe, bị bao phủ bởi lớp bụi dày cách đây hơn 90 năm, trở thành tiêu điểm; để cho thế giới hiểu hơn về câu chuyện lịch sử bi thương này.

4. Sự công bằng của lịch sử

Ngày nay, khi có dịp đến Thị trấn Nhân Ái, Huyện Nam Đầu, bạn sẽ có cơ hội tham quan Công viên Tưởng niệm Sự kiện Wushe (霧社事件紀念公園).

Mona Rudao (莫那魯道) là vị anh hùng chống Nhật vĩ đại của thổ dân Đài Loan. Hài cốt của ông, sau nhiều năm trưng bày ở các bảo tàng, cuối cùng được chôn cất tại Công viên Tưởng niệm Sự kiện Wushe vào năm 1973.

Đến năm 2001, Ngân hàng Trung ương Trung Hoa Dân Quốc chính thức đúc chân dung của Mona Rudao (莫那魯道) trên đồng tiền 20TWD.

Mona Rudao coin
Hình Mona Rudao trên đồng 20TWD

III. MỘT NGÀY TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA TỘC NGƯỜI SEEDIQ

1. Ẩm thực

Kết thúc chuyến tham quan bảo tàng lịch sử buổi sáng, đoàn chúng tớ ăn trưa và chuẩn bị cho hoạt động buổi chiều.

Ngay giữa sân vườn, chiếc bàn dài với những món đặc sản của thổ dân được bày biện tươm tất. Cả đám reo vang thích thú khi biết rằng chút nữa đây, sẽ được thưởng thức buffet đặc sản có 1-0-2 này. Sau khi chúng tớ rửa tay và chọn xong chỗ ngồi, bác Mahung Bawan (瑪姮˙巴丸) lần lượt giới thiệu với chúng tớ về các món ngon trước mặt.

ẩm thực thổ dân Đài Loan
Một vài món ăn của tiệc buffet trưa

Đó là cơm trắng trộn đậu đen, là món ăn chỉ dùng để đãi khách quý. Rồi là xúc xích heo được tẩm ướp tiêu đen, loại tiêu cay nhẹ và ngọt, thơm như hoa hồi, chỉ có ở vùng này. Tiếp đến là gỏi dưa leo và ớt ngọt trộn mơ, thứ mơ chua nhè nhẹ, có cái hậu vị ngọt thanh, một trong những nông sản chính của Bộ lạc Thanh Lưu. Và có cả cá chiên nữa! Ở trên vùng núi, cá biển là thứ xa xỉ, là món ăn chỉ có những dịp quan trọng mới được dùng. Còn có canh đu đủ xanh hầm sườn heo, kỷ tử. Điểm đặc biệt của món canh chính là men chua – được ủ từ những quả mơ rừng theo công thức bí truyền của thổ dân. Vậy là nên món canh dinh dưỡng và ngon miệng của miền sơn cước.

Trước khi tham gia chương trình, Phương đã được mấy cậu bạn người Đài mách nước: ẩm thực của thổ dân rất ngonnnnnnn! Cho đến khi đến tận nơi, nhìn tận mắt và được đích thân thưởng thức, Phương mới hiểu thế nào là “trăm nghe không bằng một nếm”.

Các bạn ăn chay cũng có một bàn tiệc riêng với đủ đầy sắc hương vị. Phương cũng tranh thủ qua đó “ăn giao lưu”. Các món ăn được làm từ nấm và rau rừng ngon bá cháy bọ chét luôn. Nhất là món nấm đầu khỉ (猴頭菇). Đây là tên gọi một loại nấm rất đắt, vô cùng bổ dưỡng và thường được tìm thấy ở vùng núi Đài Loan. Do đầu nấm trắng như tuyết, bung ra to như đầu khỉ nên được gọi như vậy.

Ngồi giữa sân vườn đầy tiếng chim hót thưởng thức mỹ vị, sau lưng là cỏ hoa khoe sắc, trước mặt là những ngọn núi lững thững mây, chỉ thiếu mỗi trai đẹp cạnh bên nữa thôi là tiên cảnh!

2. Trang phục

Sau khi dùng cơm trưa xong, đoàn chúng tớ bắt đầu những hoạt động thể nghiệm văn hóa người Seediq. Trước hết là mặc trang phục truyền thống và xăm mặt.

Các bạn nam được mặc trang phục màu trắng, trong khi chúng tớ mặc trang phục sắc đỏ. Trên đầu sẽ đeo dải băng màu đỏ, trắng tương ứng.

Chụp ảnh cùng Mahung Bawan
Chụp ảnh cùng bác Mahung Bawan

Tiếp đến là xăm mặt. Do đây là hoạt động trải nghiệm nên chúng tớ được dán các hoa văn màu xanh đen lên mặt: nữ là hai bên má, nam là chính giữa trán và giữa cằm. Thật ra, đến ngày nay, người dân Bộ lạc Thanh Lưu đã không còn duy trì truyền thống xăm mặt nữa. Phần vì lệnh cấm thời Nhật cai trị, phần vì việc xăm mặt ở thời hiện đại không còn phù hợp.

Trang phục chỉnh tề xong là đến lúc check-in, chụp ảnh nhí nhố của cả đoàn.

trang phục người Seediq
Chụp hình cùng Team A trong trang phục tộc người Seediq

3. Dệt vải

Trong lúc chúng tớ còn mải mê chụp ảnh, các cô bác đã chuẩn bị xong các công cụ cho lớp học dệt vải truyền thống.

Tùy theo từng bộ lạc của tộc người Seediq, màu sắc và hoa văn sử dụng trên vải sẽ khác nhau. Riêng Bộ lạc Thanh Lưu sử dụng ba màu sắc chủ đạo: đỏ, trắng, đen.

Kỹ thuật dệt vải truyền thống của bộ lạc rất khó, đòi hỏi nhiều năm thực hành nghiêm túc mới thành thục. Hiện tại, lớp trẻ của bộ lạc hầu như không có ai biết nghề. Người trẻ tuổi nhất có thể dệt vải là một cô khoảng 40 tuổi. Nghề dệt vải truyền thống đứng trước nguy cơ thất truyền.

Một tấm thổ cẩm thành phẩm phải trải qua 5 công đoạn:

a. Tước vỏ cây lấy sợi

Ở công đoạn đầu tiên này, vỏ cây được lột ra bằng cách dùng công cụ bào vỏ cây. Điểm quan trọng là phải tước vỏ cây thật khéo, tránh làm đứt ngang. Nếu không, sợi thu được sẽ không đạt tiêu chuẩn.

Học người Seediq tước vỏ cây lấy sợi
Học người Seediq tước vỏ cây lấy sợi (Ảnh: Ban Tổ chức)
b. Nối sợi

Sợi thu được từ vỏ cây được đem phơi khô rồi nhuộm màu. Xong bước này chúng ta có sợi thô.

Lúc này, các sợi thô vẫn chưa có độ bền cần thiết để dệt vải. Chưa kể, dộ dài của các sợi còn ngắn nên phải thực hiện công đoạn nối sợi.

Nối sợi chính là bước khó nhất và cũng là quan trọng nhất trong cả quá trình dệt vải. Do đó, bước này thường được giao cho những người có kinh nghiệm dày dặn nhất thực hiện. Để nối sợi, thổ dân sử dụng tay để nối. Tiếp theo, dùng con quay – được làm bằng một đoạn trúc dài bằng khúc đũa, một đầu có gắn một vật nặng như đồng xu… – để se sợi.

c. Cuộn sợi

Để giúp các sợi trong quá trình dệt không bị cuốn vào nhau, sợi sau khi nối và se, sẽ được cuộn lại thành các cuộn to.

Công cụ dùng để cuộn sợi cũng rất độc đáo. Nó bao gồm một khung hình chữ I, chính giữa khoét một lỗ vừa bàn tay người và một bó sợi đã đính sẵn trên con quay.

cuộn sợi cho đều
Cuộn sợi – trông dễ mà khó!
d. Xếp sợi

Trước khi dệt vải, tùy theo loại hoa văn trên tấm thổ cẩm, sợi sẽ được xếp theo thứ tự phù hợp. Rồi sau đó đem khung sợi này gắn vào khung cửi và tiến hành dệt.

Xếp sợi dệt vải
Xếp sợi trước khi dệt vải
e. Dệt vải

Người Seediq sử dụng một khung cửi nhỏ bằng gỗ, dài cỡ sải tay người, rỗng bên trong để dệt vải. Đối với người phụ nữ Seediq, khung cửi là tài sản rất quý giá. Gia đình càng giàu có và có địa vị thì càng có nhiều khung cửi.

Khung dệt vải người Seediq
Học người Seediq dệt vải (Ảnh: Ban Tổ chức)

4. Bắn cung

Nếu dệt vải là điều các thiếu nữ phải biết trước khi xuất giá, thì bắn cung là kỹ năng các chàng trai Seediq buộc phải thành thục.

Cung và tên đều được làm bằng tre, cầm khá nhẹ tay. Đầu mũi tên được bịt sắt để tăng tính sát thương. Cung thì dài hơn chiều cao của Phương luôn *đau lòng mấy giây vì sự nhỏ con của mình*.

Tập bắn cung
Phương tập bắn cung

Lúc bắn tên, ngoài việc nhắm chuẩn xác ra, bạn cần phải cầm cung tên đúng tư thế. Dùng tay trái giữ cung, thẳng tay. Tay phải cầm tên và kéo giãn dây cung. Khi đạt đến độ căng thích hợp thì buông tay để tên lao ra. Lý thuyết là vậy nhưng thực hành thì khó vô cùng. Phương chỉ bắn cho tên lao đi đúng hai lần, các lần còn lại thì dây cung bung ngược mặt mình không à.

5. Âm nhạc

“Bộ lạc này không giống như bộ lạc khác. Tất cả nền văn hóa đã bị phá hủy. Và ngay cả âm nhạc cũng buồn bã.” (Mahung Bawan (瑪姮˙巴丸))

Dưới sự đàn áp tàn bạo của người Nhật, tất cả cuộc sống của bộ lạc trong quá khứ đều trở thành ký ức mà người Seediq không dám nhớ lại; di sản của tổ tiên Gaya đã gần như sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó, ca hát, nhảy múa và dệt vải là những truyền thống không bị cấm bởi người Nhật, và chúng cũng là dây rốn duy nhất còn sót lại của linh hồn Seediq. 

cùng khiêu vũ điệu nhảy dân tộc
Khiêu vũ và hát ca

Bác Mahung Bawan dạy chúng tớ hát khúc Sika Bari (豐神歌). Một bài hát truyền thống được hát trong lúc thu hoạch nông vụ. Cả đoàn chúng tớ cùng hát và nhảy múa theo bài ca thu hoạch. Ngoài vườn, gió cây chim muông cũng hòa theo dàn đồng ca sinh viên, mang tiếng hát vang khắp cõi đại ngàn.

IV. NHỮNG ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Khởi hành trở về Ga Đài Trung, đoàn chúng tớ được Ban Tổ chức thết đãi một bữa tiệc đậm chất Đài Loan.

Nhà hàng Banana New Paradise đưa chúng tớ trở về Đài Loan của những năm đầu thế kỉ 20 với lối trang trí đậm chất hoài cổ và không gian bảo tàng ngoài trời. Còn món ăn ở đây chỉ có thể dùng một chữ để hình dung: tuyệt! Đây là lần ăn món Đài ngon nhất kể từ ngày Phương đặt chân đến Đài Loan. Nếu có dịp đến Đài Trung, hãy thử đến dùng bữa tại đây nhé!

Vậy là trọn một ngày đồng hành cùng Cultural Tours in Central Taiwan khám phá và trải nghiệm văn hóa tộc người Seediq. Ở góc độ người tham gia, Phương đánh giá Ban Tổ chức đã làm rất tốt. Một mặt, kết nối các bạn sinh viên nước ngoài ở các trường Đại học tại Đài Loan. Mặt khác, giúp người nước ngoài hiểu biết sâu hơn văn hóa bản địa, qua đó quảng cáo một Đài Loan thân thiện, hiếu khách, tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Thêm vào đó, thông qua chuyến đi, Phương cũng học được nhiều điểm hay trong cách làm du lịch của Đài Loan mà Việt Nam mình có thể học hỏi. Điểm quan trọng nhất, chính là việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa, lịch sử các tộc người thiểu số.

Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ biết thêm một chương trình văn hóa bổ ích tại Đài. Chúc những ngày du học Đài Loan của mọi người ngập tràn niềm vui và những trải nghiệm nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Kinh nghiệm săn học bổng và du học Đài Loan

guest

0 Comments
Inline Feedbacks
XEM TẤT CẢ BÌNH LUẬN
error: Bài viết được bảo vệ để chống sao chép!